Chào mừng thành viên mới với tên gọi Radeon™ RX 7900 XTX và RX 7900 XT đã chính thức gia nhập đại gia đình AMD - Quangtin.com
Phòng MKT
Th 4 14/12/2022
Đập hộp AMD Radeon RX 7900XT/XTX: Đem chiplet đến với GPU x86, card năm nay đẹp quá
Thứ ba tuần sau, 13/12, AMD và các đối tác sản xuất OEM sẽ chính thức bán ra thị trường hai mẫu card đồ họa mới nhất của họ, RX 7900 XT và RX 7900 XTX. Với cái giá lần lượt 899 và 999 USD ở thị trường nước ngoài, thì mình mạnh dạn dự đoán hai mẫu card đồ họa mới nhất này sẽ có mức giá dao động từ 28 đến 32 triệu Đồng tùy phiên bản, có khi sẽ có cả những bản cao cấp hơn với xung nhịp cao hơn hoặc ứng dụng giải pháp tản nhiệt nước sẽ có giá tiệm cận RTX 4080 ở thị trường Việt Nam, tức là gần 40 triệu Đồng.
Reference do chính AMD cùng đối tác trong chuỗi cung ứng sản xuất, với thông số kỹ thuật cơ bản như AMD đã giới thiệu khi thế hệ GPU kiến trúc RDNA 3 ra mắt, đặc biệt là xung nhịp vận hành mẫu GPU Navi 31 trên hai chiếc card này.
Phải thừa nhận là sau nhiều năm làm ra những bản reference vuông chằn chặn, mỗi thế hệ thay đổi một chút về vẻ bề ngoài nhưng tổng thể thì không khác biệt, năm nay chúng ta có hai chiếc card reference đúng chất, không tìm ra được góc nào để chê, chí ít là về mặt thẩm mỹ cả. Phong cách thiết kế mang đậm âm hưởng khoa học viễn tưởng với nhiều chi tiết rườm rà, những góc cạnh làm giả một món vũ khí trong game giả tưởng, cả ở mặt trước lẫn mặt sau.
Xem thêm các dòng CPU AMD tại Quảng Tin
Ai mà nghĩ chỉ cần thêm một chi tiết hình tam giác nhỏ, ba quạt tản nhiệt trên mỗi chiếc card đồ họa lại mất đi hoàn toàn cảm giác đơn điệu như thế này? Rồi kết hợp với những đường nét trên cả mặt shroud che tản nhiệt, lẫn backplate kim loại đen nhám nhìn cực kỳ ngầu, AMD phải nói là đã thành công khi tạo ra một sản phẩm đẹp. Như dưới đây là những góc cạnh ấn tượng mà không quá lố trên RX 7900 XTX:
Nói vậy không đồng nghĩa với việc mình nói RX 6950 XT hay trước đó là nét chấm phá mang tên RX 5700 XT, với đường cong cắt chính giữa thân card là những thiết kế xấu. Ý của mình là, so với RX 7900 XT/XTX, sự tối giản kết hợp vài chi tiết phá cách, hoặc màu sắc hoặc điểm nhấn từ cái thời AMD tại ra RX Vega 56 đến tận thời điểm RX 6950 XT ra mắt là thứ không thể so sánh được trong mắt anh em gamer.
AMD vẫn chứng minh được rằng hai tông màu đỏ đen không bao giờ lỗi thời. Và ngay cả chiếc hộp cực kỳ nhỏ gọn của RX 7900 XT và XTX cũng rất khác với chiếc hộp khổng lồ mà Nvidia thiết kế cho RTX 4090 và 4080, ra mắt trước đó ít lâu. Bản thân AMD cũng không ngại việc tự gọi họ là “Đội Đỏ”, và cái chất “Đỏ” trên hai chiếc card đồ họa nằm ở vị trí dễ thấy nhất, những lá nhôm tản nhiệt sơn đen. Nhìn chi tiết này nhớ ngay đến những chiếc BMW M thế hệ trước, với ba dải màu đặc trưng trên mặt nạ sáng bóng:
Xem thêm các dòng Card đồ họa VGA tại Quảng Tin
Nhìn hai chiếc RX 7900 XT và XTX có những nét giống nhau, nhưng từ kích thước đến cách AMD ứng dụng từng chi tiết trên thân card, chúng khác nhau khá nhiều. Để dễ so sánh, thì RX 7900 XTX có chiều rộng lớn hơn, để đủ không gian trang bị dàn heatsink thể tích lớn hơn, làm mát hiệu quả hơn cho card. Góc cạnh của heatsink trên RX 7900 XTX trông cũng đẹp hơn, còn 7900 XT hiền hơn một chút xíu.
Như tấm hình cuối cùng trong chùm ảnh trên đây, anh em cũng sẽ thấy 4 lỗ bắt vít cố định card để không bị xệ khi lắp vào bo mạch chủ. Và những chi tiết góc cạnh xung quanh cũng giúp hai món đồ chơi này gọn gàng hơn hẳn so với hai sản phẩm mình từng có cơ hội trải nghiệm của kiến trúc RDNA 2, RX 6800 XT và 6950 XT. Nhưng cùng lúc, nhìn chúng ngầu hơn hẳn card đời cũ.
Còn trong khi đó, mặt sau vẫn đủ 4 cổng kết nối để xuất hình ảnh ra màn, nhưng không chỉ có những kết nối quen thuộc DisplayPort hay HDMI, mà anh em còn có một cổng USB-C chuẩn DisplayPort 2.1 phục vụ những màn hình hỗ trợ. Nếu như cổng HDMI vẫn là chuẩn 2.1 mới nhất, thì DisplayPort cũng được nâng cấp từ 1.4 lên 2.1, băng thông tối đa 54 Gbps, đủ sức xuất hình ảnh độ phân giải 4K 480Hz hoặc 8K 165Hz với DSC. Đấy là trên lý thuyết, còn chúng ta có hai vấn đề nảy sinh ở đây. Thứ nhất là chưa có TV 8K 165Hz, 4K 480Hz cũng chưa có luôn. Và thứ hai là GPU của cả RX 7900 XT lẫn XTX đều khá chắc chắn không kéo được những trò chơi đương thời với cả độ phân giải lẫn tốc độ khung hình như vậy.
Và lời khen tặng cho AMD chính là việc vẫn tận dụng kết nối 8-pin của chuẩn nguồn ATX cũ, không cần dùng adapter chuyển đổi sang chuẩn 12VHPWR 16-pin nhỏ xíu như Nvidia. Điều ấn tượng là chỉ dùng 2 cáp 8-pin, có vẻ như nguồn điện vẫn đủ để vận hành RX 7900 XTX, mẫu card với TDP được xác định ở mức 355W, với phiên bản reference. Khá chắc sẽ có những giải pháp card RDNA 3 các hãng OEM tạo ra được ép xung sẵn, tiêu thụ điện năng cao hơn.
Và riêng RX 7900 XTX, thậm chí nó còn được AMD ứng dụng một PCB nhỏ xíu ngay dưới quạt tản nhiệt. Trên đó là IC kiểm soát và theo dõi, cũng như cảm biến đo nhiệt độ khí tươi quạt tản nhiệt hút vào làm mát cho GPU và các linh kiện khác trên card:
Cũng là bản XTX, chúng ta có hai dải đèn RGB xung quanh quạt tản nhiệt ở giữa. Cái này thiết nghĩ sẽ chỉ đẹp hoặc chí ít là anh em sẽ nhìn thấy được nếu lắp riser dựng card lên trong thùng máy.
Xét về tổng thể, thiết nghĩ các hãng chẳng cần phải tính đến chuyện ứng dụng những thiết kế khác hoa mỹ hơn, màu mè RGB hoa lá cành hơn. Chỉ cần làm y nguyên theo thiết kế hai chiếc card reference rồi bán ra thị trường là sẽ có rất nhiều fan của đội đỏ yêu mến rồi.
Còn về mặt cấu hình, trái tim của RX 7900 XT/XTX là thứ buộc phải nhắc lại, vì lần đầu tiên chúng ta có được một giải pháp chip xử lý đồ họa với bố cục chiplet, giải quyết những vấn đề và rào cản khi khả năng của thiết kế chip die đơn dạng monolithic đã đạt đến giới hạn. Ở một khía cạnh nào đó, việc tạo ra được GPU chiplet có tầm quan trọng chẳng thua gì việc hàng chục năm trước chúng ta có những chip siêu phân luồng. Cái khó của GPU kiến trúc chiplet là làm thế nào để chia phần việc một cách đều đặn và hiệu quả, để mọi cụm chiplet xử lý hiệu quả nhất, không có cụm nào quá tải trong khi những cụm còn lại quá ít việc để làm.
Cụ thể hơn, trên cả RX 7900 XT lẫn XTX đều là GPU Navi 31, thiết kế chiplet có sự tương đồng đáng kể so với những gì AMD làm với những thế hệ CPU Ryzen của họ. Ở trung tâm là một nhân GCD (Graphics Compute Die) sản xuất trên tiến trình N5 của TSMC. Đây là phần quan trọng nhất vì nó đảm trách quá trình xử lý đồ họa, tạo ra từng khung hình game anh em thấy trên màn hình khi kết hợp cùng CPU. Xung quanh là những nhân MCD (Memory Cache Die) phụ trợ cho nhân GPU chính.
Nếu GCD làm việc chính, thì MCD là những cụm 16MB bộ nhớ đệm Infinity Cache. Trên bề mặt GCD cũng bao gồm cả cầu nối Infinity Fabric, món vũ khí giúp thiết kế chiplet trở thành hiện thực của AMD.
Các MCD vận hành kèm với nền tảng bộ nhớ GDDR6, thứ mà RX 7900 XT có hẳn 20GB, và XTX thậm chí còn nhiều hơn, 24GB, chạy trên bus interface lần lượt là 320 và 384 Gbps, tạo ra băng thông 800 GB/s đối với RX 7900 XT, và 960 GB/s đối với bản XTX.
Toàn bộ những MCD mới toanh được AMD trang bị trên GPU Navi 31 đều phục vụ một mục đích duy nhất: Cấp đủ, nhiều và nhanh nhất có thể khối lượng dữ liệu khổng lồ để GCD ở chính giữa làm việc hiệu quả nhất có thể. Trên RX 7900 XT là 5 cụm MCD như vậy, còn với bản XTX là 6 cụm MCD.
Giờ chúng ta mới nói tới GCD. Trên RX 7900 XT là 84 cụm Stream Microprocessor, tổng cộng 5376 shader xử lý đồ họa, cùng 84 nhân ray tracing trên mỗi SM, vận hành ở xung nhịp boost 2.4 GHz. Còn trong khi đó, RX 7900 XTX là 96 cụm SM, 6144 nhân shader, và 96 nhân ray tracing, vận hành ở xung nhịp boost 2.5 GHz.
Khác biệt của thiết kế hai món đồ chơi này đến từ chính nhu cầu trang bị hệ thống tản nhiệt. RX 7900 XTX có chiều dài và rộng nhỉnh hơn xíu (287x123mm so với 276x113mm) đơn giản vì TDP 355W, trong khi 7900 XT chỉ là 300W.
Ngay thời điểm được công bố kết quả đánh giá hiệu năng khách quan, những số liệu đánh giá sức mạnh của RX 7900 XT và XTX, đặc biệt là sức mạnh của chúng so với RTX 4080 hay 3090 sẽ được tụi mình công bố ngay.
Theo Tinh Tế